Đường quốc lộ ‘như đường làng vì thiếu vốn’

Đại biểu Nguyễn Tạo nói về thực trạng tuyến quốc lộ 27, có đoạn dài 30 km sau 10 năm vẫn lầy lội, không thể sửa sang do chưa được bố trí vốn.

Chiều 26/5, đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15.

Đại biểu Nguyễn Tạo (luật sư, Phó đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho biết quốc lộ 27, tuyến đường quan trọng kết nối khu vực Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu về kinh tế, an ninh quốc phòng với chiều dài hơn 280 km nhưng nhiều năm qua còn hơn 30 km không được bố trí vốn.

Theo ông, đây là đoạn đường núi, nhỏ hẹp, dốc, dễ bị sạt lở và thường xuyên ách tắc trong mùa mưa lũ. Cứ đến mùa mưa, tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Từ Quốc hội khóa 13 đến nay, trong hơn 10 năm, cử tri và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng liên tục kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này. Nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương đã kiểm tra, song thực trạng này vẫn chưa được xử lý khiến “cử tri rất bức xúc”.





Đại biểu Nguyễn Tạo (luật sư, Phó đoàn tỉnh Lâm Đồng) phát biểu chiều 26/5. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Tạo (luật sư, Phó đoàn tỉnh Lâm Đồng) phát biểu chiều 26/5. Ảnh: Media Quốc hội

Theo đại biểu Tạo, tuyến đường quốc lộ này được xem “như đường làng”, không có trong danh mục được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, chỉ được bố trí vốn duy tu, sửa chữa. Mỗi năm bình quân duy tu 50 tỷ đồng, 10 năm là hơn 500 tỷ đồng nhưng kết quả cũ vẫn như cũ, “hết sức lãng phí”.

Phó đoàn Đại biểu tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có cơ chế tài chính xử lý dứt điểm, giải quyết điểm nghẽn của quốc lộ 27. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cần nghiên cứu cho địa phương tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thi công tuyến đường này trong năm 2024.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (phó đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn) cho biết cử tri tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giành nguồn lực mở rộng các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh miền núi, trong đó có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh. Việc này sẽ phát huy hiệu quả kết nối, giao thương giữa các vùng.

Bà đề nghị cấp có thẩm quyền sớm đầu tư xây dựng đoạn tránh trung tâm các huyện, thành phố và thị trấn thường xuyên có ách tắc giao thông, nâng cao khả năng lưu thông, phục vụ mục tiêu hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được duyệt.

Bà cũng mong Chính phủ và bộ, ngành sớm cho chủ trương đầu tư dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch để phát huy nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ cho khu vực miền núi phía Bắc.





Đại biểu Dương Khắc Mai, phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông phát biểu tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Dương Khắc Mai, phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông phát biểu tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn Đại biểu Đăk Nông) cho biết cử tri thành phố Gia Nghĩa đã kiến nghị nhiều lần việc di dời đường dây truyền tải điện 500 KV cắt ngang thành phố. Việc này nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm không gian phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mỹ quan, đặc biệt là đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người dân.

“Nhiều cử tri phản ánh khi trời mưa, đi qua những nơi đường điện trũng thấp gần mặt đường, nhiều người bị điện giật, như đại biểu Phạm Thị Kiều”, ông Mai nói, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để các bộ, ngành liên quan sớm di dời đường dây truyền tải điện 500 KV ra khỏi thành phố Gia Nghĩa.


Sơn Hà