G7 cứng rắn, đẩy Nga – Trung thêm khăng khít

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến nêu ra hàng loạt vấn đề gây tranh cãi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi hai người gặp mặt tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6 nhằm thảo luận về mối quan hệ đang xấu đi giữa Điện Kremlin và phương Tây.

Trung Quốc và Nga, trong khi đó, không có “lựa chọn nào khác” ngoài xích lại gần nhau hơn nữa, đặc biệt là sau khi các lãnh đạo G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây cho thấy lập trường cứng rắn chưa từng có của họ về vấn đề Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hồi tháng 6/2019. Ảnh: AP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hồi tháng 6/2019. Ảnh: AP.

NATO hôm 14/6 nói Trung Quốc tạo ra “các thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và rằng những hành động của Nga gây “đe dọa” tới an ninh châu Âu – Đại Tây Dương.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ, ông chủ Điện Kremlin trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC News phát sóng ngày 12/6 tuyên bố quan hệ Nga – Mỹ đã “xói mòn đến mức thấp nhất trong những năm gần đây”.

Tổng thống Biden trong khi đó nhấn mạnh Mỹ muốn một mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Nga, đồng thời “không tìm kiếm xung đột”. Tuy nhiên, Washington sẽ “đáp trả một cách mạnh mẽ và thích đáng” nếu Moskva thực hiện những động thái gây hại.

Putin cũng nói rằng đang có những nỗ lực nhằm phá hoại quan hệ Nga – Trung song mối liên kết giữa hai nước hiện tại chặt chẽ “chưa từng thấy”.

Giới chuyên gia dự đoán tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Tổng thống Biden sẽ nêu ra các vấn đề như tấn công mạng, căng thẳng ở Ukraine hay kiểm soát vũ khí, nhưng chúng khó lòng đạt được nhiều tiến bộ.

Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng những tuyên bố của NATO và G7 tuần qua đã “đổ thêm dầu” và ngọn lửa đối địch Mỹ – Nga và hội nghị thượng đỉnh ở Geneva sẽ không thể thay đổi điều này.

“Biden muốn tái khẳng định quan điểm cứng rắn của Mỹ khi ông ấy tới Geneva”, Shi nhận xét, thêm rằng kiểm soát vũ khí sẽ là vấn đề trọng tâm sau khi hai bên hồi tháng một đã đồng ý gia hạn hiệp ước START mới về hạn chế vũ khí hạt nhân.

Theo Shi, căng thẳng với phương Tây có khả năng dẫn đến một liên minh mạnh mẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc. “Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng cường hợp tác chiến lược, quân sự và ngoại giao, ông nói.

Trong tuyên bố hôm 13/6, G7 kêu gọi Nga điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học và xử lý những kẻ đứng sau các cuộc tấn công trên không gian mạng. G7 cũng kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nhân quyền cùng các quyền tự do của người dân Tân Cương, Hong Kong.

Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ với Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định Washington có thể cố gắng xoa dịu căng thẳng bằng cách đưa ra những nhượng bộ nhất định đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga đến Đức. Đây là dự án mà Mỹ lâu nay vẫn phản đối kịch liệt.

“Biden sẽ thăm dò Putin và cố gắng trao đổi với Putin trong nỗ lực nhằm chia rẽ quan hệ Trung – Nga”, Lu đánh giá. Nhưng ông thêm rằng Moskva vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh bởi nó ảnh hưởng đáng kể đến an ninh của Nga.