Ngáy có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ, từ đó gây rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn hành vi khác ở trẻ.
Tiếng ngáy cho thấy trẻ có thể ngủ không ngon, mắc chứng ngưng thở nên nhận oxy kém. Lúc này, trẻ có nguy cơ bị suy giảm phát triển trí não, kết quả học tập kém, thay đổi quá trình trao đổi chất và các vấn đề về hành vi.
Mức độ ảnh hưởng tới hành vi phụ thuộc vào mức độ nặng của chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, các biến chứng lâu dài về tim mạch, nhận thức thần kinh, giảm chuyển hóa glucose và tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ thi thoảng mới ngáy thì không có bệnh nghiêm trọng, ví dụ khi quá mệt mỏi hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu trẻ có thói quen ngủ ngáy, liên tục từ ba đêm trở lên một tuần, trẻ có khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Bên cạnh đó, trẻ có các dấu hiệu như thở hổn hển hoặc khó thở khi ngủ, tè dầm, da hơi xanh, nhức đầu buổi sáng, ngủ ngày, khó tập trung, tăng cân bất thường, béo phì… cũng cho thấy tình trạng ngưng thở khi ngủ đang diễn ra, cần sớm điều trị.

Trẻ ngủ ngáy có thể ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Ảnh: Freepik
Nếu trẻ ngáy nhẹ, không thường xuyên, tiếng ngáy sẽ tự biến mất. Nếu trẻ có thói quen ngủ ngáy, gia đình nên đưa con đi khám để xác định tình trạng sức khỏe và hô hấp của bé. Bác sĩ có thể khám để phát hiện tình trạng rối loạn nhịp thở khi ngủ, bệnh hen suyễn, dị ứng hoặc ngưng thở khi ngủ.
Trẻ có thể cần phẫu thuật cắt amidan để giảm rối loạn hô hấp hoặc chứng ngưng thở khi ngủ nặng; hoặc được điều trị bằng cách thở áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc thở áp lực dương không xâm nhập (BiPAP).
Cách khác giúp trẻ ngủ tốt hơn là vệ sinh giường và phòng ngủ của trẻ. Sau đó, cha mẹ giúp trẻ thiết lập lịch trình ngủ phù hợp, giảm tiếp xúc ánh sáng và thiết bị điện tử trước khi ngủ, bố trí phòng ngủ ở nơi yên tĩnh và thoải mái nhất có thể. Các biện pháp này giúp trẻ giảm gián đoạn giấc ngủ, từ đó giảm ảnh hưởng tới hành vi, trí óc của trẻ.
Nếu trẻ béo phì, gia đình cần giúp bé giảm cân để giảm lượng mô dư thừa trong cổ họng. Lý do là mô thừa có thể gây ra chứng ngáy ngủ.
Chi Lê (Theo Channel News Asia, Healthline, Sleep Foundation)